Cuộc họp giữa 2 bộ (TNMT và NN&PTNT) và 4 tỉnh miền Trung vẫn chưa đưa ra kết luận về vụ cá chết hàng loạt gây thiệt hại điêu đứng cho ngư dân hơn nửa tháng qua.

2 bộ, 4 tỉnh họp vụ cá chết: Lòng vòng chưa rõ nguyên nhân

Theo VietNamNet | 24/04/2016, 05:41

Cuộc họp giữa 2 bộ (TNMT và NN&PTNT) và 4 tỉnh miền Trung vẫn chưa đưa ra kết luận về vụ cá chết hàng loạt gây thiệt hại điêu đứng cho ngư dân hơn nửa tháng qua.

Hiện tượng cá chết xuất hiện lần đầu tiênở thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Sau đó từ giữa tháng 4 lần lượt cá biển chết tấp vào bờ 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế.

Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng trăm tấn thủy sản đã bị chết, còn lượng cá biển tự nhiên thì nhiều tỉnh chưa thể thống kê.

Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, trước hiện tượng cá chết hàng loạt, thông tin dày đặc trên báo chí khiến người dân vô cùng hoang mang, các ngành kinh doanh vắng lạnh. Nếu không sớm tìm ra nguyên nhân thì thiệt hại về KTXH sẽ vô cùng lớn, nhất là dịp nghỉ lễ sắp tới.

Hiện tượng cá chết đầy bất thường vẫn chưa rõ nguyên nhân

Loại trừ dịch bệnh, nghi ngờ tàu nước ngoài?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thông tin, kết quả kiểm tra bước đầu loại trừ yếu tố dịch bệnh nguy hiểm, nguyên nhân do môi trường nước, qua phân tích mẫu những chỉ số thì không có gì bất thường trừ một số mẫu ở Huế mang tính cục bộ.

Còn nguyên nhân quan trọng là khả năng độc tố thì các cơ quan đã lấy mẫu, tiếp tục kiểm nghiệm để đưa ra kết luận, ông Tám nói.

Trong khi đó, PGĐ Sở NN&PTNT Thừa Thiên - Huế Trần Lê Nguyên Hùng cho hay, trong các nghi ngờ tác nhân gây cá chết, Huế đặt ra nghi hoặc từ những con tàu nước ngoài.

Ngày 18.4, Thừa Thiên - Huế nhận được tin, có một tàu nước ngoài xin vào bờ lấy nước ngọt. Khi tàu vào có 3 người, tàu thu mua, phát hiện trên bờ không có lưới. Trước đó, Quảng Bình bắt 5 con tàu nước ngoài...

"Vậy chúng ta phải xem xét lại các tàu hoạt động trong thời gian này", ông đặt câu hỏi tại sao không bắt đầu từ Nghệ An mà lại Hà Tĩnh, tại sao lây lan đến Lăng Cô, còn Đà Nẵng thì không?

Ông Hùng nhận định sự lây lan ngược theo kim đồng hồ, tức ngày càng chảy ra xa. Như thế, số lượng cá chết ngày một đa dạng.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu thủy sản cho rằng, nguyên nhân độc chất môi trường rất lớn, cần rà soát lại xem điểm nào phát tán độc chất. Dòng chảy sát bờ chảy xuôi về phía nam từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Giả sử có điểm phát tán chất độc nào đó, phát tán rất phức tạp và rộng.

"Nên cho phép các tàutiếp tục khai thác hay không. Có chất môi trường phát tán ra mà chúng ta chưa biết là cái gì? Chưa biết nguyên nhân nên có chỉ đạo các địa phương".

Đối với khu vực xảy ra nên tạm ngưng khai thác khu vực ven bờ. Xa bờ nên phân nhóm ra, cá tôm, nhuyễn thể chủ yếu sống ở tầng đáy cấm, còn cá nổi tiếp tục hoạt động.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm nên có kiểm định các sản phẩm khai thác xa bờ từ Thừa Thiên - Huế ra Hà Tĩnh không có độc. Với các đoàn tàu khai thác kéo đáy khuyến cáo di chuyển đến ngư trường khác, ông Hùng kiến nghị.

Phải chứng minh nước biển an toàn

Trong lúc chưa chốt được nguyên nhân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đặt vấn đề tiếp tục sản xuất, khuyến cáo người dân tiếp tục khai thác và nuôi trồng ra sao.

"Nếu cực đoan tìm ra nguyên nhân mới cho người dân làm ăn thì sẽ như thế nào? Việc tìm độc tố không đơn giản, không thể tìm ra ngay được. Làm sao ổn định tâm lý, tránh gây hoang mang, tiếp tục tiêu thụ những sản phẩm an toàn, người dân không thể đợi chúng ta được", ông nêu câu hỏi.

Đại diện từ Thừa Thiên - Huế cho rằng, trước mắt, phải chứng minh nước biển an toàn, cá sống được. Phải quan trắc định kỳ, thường xuyên để nhận định được môi trường nước cá sống được.

Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện mực ở Vũng Áng vẫn đang sống bình thường, tức là môi trường nước không đáng quan ngại nữa, vì mực là loài rất nhạy cảm với môi trường.

Đại diện Quảng Bình thì cho hay, sản xuất không thể dừng được. Tỉnh sẽ chỉ đạo khai thác ven bờ tạm dừng. Khai thác xa bờ phải tiếp tục. Tập trung làm sạch môi trường ven biển, thu gom cá chết, rác rưởi tạo môi trường sạch.

Quán triệt cấm dùng cá chết

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, hiện tượng cá biển chết nhanh, rộng, vừa thủy sản nuôi vừa tự nhiên, nhất là ở tầng đáy là bất thường.

Do đây là vấn đề lần đầu tiên xuất hiện trên diện rộng nên ban đầu có sự lúng túng, sau đó các vào cuộc nhanh, nhưng đến nay chưa tìm ra nguyên nhân chính xác.

“Đề nghị các tỉnh quán triệt chỉ đạo, xử lý cá chết, cấm sử dụng, tiếp tục lấy mẫu, khôi phục sản xuất, tạm dừng thả nuôi và một số nghề khai thác. Trấn an dư luận làm cho người dân yên tâm trong tiêu thụ sản phẩm.

TƯ sẽ quan trắc thường xuyên ở các địa phương sau đó tham mưu cho các tỉnh chỉ đạo người dân khai thác thủy sản. Không vì việc này mà làm gián đoạn việc khai thác kinh doanh của người dân”, ông Tám nói.

Duy Tuấn - Quốc Huy - Thiện Lương/VietNamNet
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
2 bộ, 4 tỉnh họp vụ cá chết: Lòng vòng chưa rõ nguyên nhân