Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đặt ra câu hỏi cho ban lãnh đạo và hơn 30.000 nhân viên tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm của tập đoàn FPT vào ngày hôm qua, 12/9/2018 tại Hà Nội.

’10 năm tới, FPT sẽ làm gì để phụng sự tổ quốc?’

Anh Đủ | 13/09/2018, 13:24

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông đặt ra câu hỏi cho ban lãnh đạo và hơn 30.000 nhân viên tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm của tập đoàn FPT vào ngày hôm qua, 12/9/2018 tại Hà Nội.

Trong phần đáp từ, ông Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn FPT nói: “Ưu tiên hàng đầu của FPT hiện nay và trong tương lai là nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi, cạnh tranh bình đẳng với những người khổng lồ trên thế giới, từ đó khẳng định mình là tập đoàn công nghệ số”.

Cũng trong bài nói chuyện của mình, quyền bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng còn kêu gọi “tinh thần phụng sự tổ quốc để có một FPT mới để phát triển mạnh mẽ hơn và là chỗ dựa cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Ông Bình đáp từ: “Hôm nay và ngày mai, FPT sẽ không ngừng nghỉ khai phá những con đường mới cho trí tuệ Việt trong trong những lĩnh vực: phần mềm ôtô, nhà máy thông minh, thành phố thông minh, thực hiện chuyển đổi số cho khách hàng, đưa các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT… vào những lĩnh vực: giao thông, y tế, chính phủ số, ngân hàng số…

Trong 30 năm qua, FPT đã có nhiều đóng góp quan trọng, ghi nhận vai trò tiên phong trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại thị trường Việt Nam cũng như có những dấu ấn tích cực với cộng đồng công nghệ thông tin trên thế giới.

Xuất khẩu phần mềm

Năm 1998, theo lời ông Bình, FPT đã quyết định “xuất khẩu phần mềm” là mũi nhọn trong chiến lược phát triển của tập đoàn. Là công ty Việt 100% tham gia lĩnh vực này, FPT đã “mò mẫm” tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn công nghiệp như ISO, CMM tại Bangalore (Ấn Độ) và Silicon Valley (Hoa Kỳ) nhưng thất bại.

“Chỉ thành công khi tiếp cận được thị trường Nhật Bản vào năm 2005. Sau đó, FPT mở văn phòng tại Singapore, châu Âu, sau đó trở lại Mỹ… Quy mô dự án lớn dần lên, từ vài triệu USD nay đã có dự án 100 triệu USD. Nhiều tên tuổi lớn như Microsoft, IBM, Amazon, General Electrics, Siemens, Dupont, Airbus… hiện là đối tác của FPT”, ông Bình cho biết.

Hơn 15 năm qua, giá trị xuất khẩu phần mềm của FPT tăng trưởng 30-40%/năm. Ông Bình tin rằng, với tốc độ tăng trưởng trên, hai năm nữa, 2020, doanh thu phần mềm xuất khẩu của FPT sẽ đạt giá trị 1 tỷ USD, chiếm 50% doanh thu của tập đoàn.

Ông Lê Hồng Việt, giám đốc công nghệ tập đoàn FPT nói về chuyển đổi số

Xây dựng phần mềm thương hiệu Việt

Câu chuyện xây dựng phần mềm thương hiệu Việt bằng những giải pháp tin học vào hoạt động doanh nghiệp là một thế mạnh của FPT trong 30 năm qua.

Năm 1990, FPT giành được hợp đồng xây dựng hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Vietnam Airlines. Năm 1991, FPT triển khai thành công dự án tin học hóa ngân hàng Hàng hải, tiền đề của sản phẩm core banking là Siba và Smartbank. Đến nay, phần mềm của FPT đã được triển khai tại 24 ngân hàng trong nước và nhiều ngân hàng tại Đài Loan, Malaysia, Lào, Campuchia… Năm 1994, FPT quyết định thay đổi tổ chức, hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, xây dựng năng lực công nghệ, tìm kiếm các khách hàng lớn.

Năm 2009, FPT được chọn là tổng thầu dự án triển khai hệ thống thông tin quản lý thuế thu nhập cá nhân quản lý hơn 15 triệu đối tượng nộp thuế tại Việt Nam. Nhờ đó, FPT đã trúng thầu các dự án về thuế tại Lào, Camphuchia, Bangladesh, Myanmar như dự án FMIS của Campuchia có giá trị 10 triệu USD, dự án IVAS của Bangladesh có giá trị 33,6 triệu USD.

Khách nước ngoài tìm hiểu về mô hình giao thông thông minh của FPT đang thực hiện tại TP.HCM

Xóa độc quyền Internet

Hơn 20 năm trước, FPT có công xóa độc quyền về dịch vụ Internet tại thị trường Việt Nam vốn là sân chơi độc quyền của tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tại hai thị trường lớn là TP.HCM và Hà Nội.

Năm 1994, FPT có chương trình FPT– mail. Tháng 9.1996, FPT-mail được đổi tên thành mạng trí tuệ Việt Nam. Đầu năm 1997, FPT thành lập trung tâm dịch vụ trực tuyến FPT (FOX) để quản lý mạng trí tuệ Việt Nam. Năm 1997, FPT trở thành 1 trong 4 nhà cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên tại Việt Nam (còn có VDC, Netnam và Saigon Postel).

Năm 2005, khi có giấy phép ASDSL, FPT bắt đầu xây dựng tuyến trục quốc gia và tham gia liên minh cáp quang biển quốc tế. Hiện tại, FPT có 300.000 km cáp quang và đồng, trên 19.200 km cáp đường trục, tuyến cáp quốc tế đạt tốc độ gần 1Tbps…

Aka Chain – công cụ chuyển đổi số của FPT

Phân phối và bán lẻ hàng số

FPT có công đầu khi kết nối với nhiều nhà sản xuất các sản phẩm tin học, kỹ thuật số trên thế giới. Năm 1992, hãng máy tính Olivetti chính thức chỉ định FPT là đại lý phân phối tại Việt Nam và Đông Dương.

Năm 1994, IBM, một trong những công ty Mỹ đầu tiên mở văn phòng đại diện tại Việt Nam đã chọn FPT là đối tác đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Sau đó, là Dell, Compaq, HP, Motorola, Samsung, Nokia, Apple… Lĩnh vực phân phối trong nhiều năm liền chiếm tới 70% doanh thu và 50% lợi nhuận của FPT. Đến nay, dù FPT đã thoái bớt vốn trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ nhưng các công ty thành viên vẫn còn có sức trên thị trường như FPT Retail hiện có 535 cửa hàng tại 63 tỉnh thành, đứng thứ 2 trong lĩnh vực bán lẻ hàng kỹ thuật số; Synnex FPT là nhà phân phối lớn nhất Việt Nam với hơn 40 thương hiệu công nghệ và 2.771 đại lý tại 63 tỉnh thành trong toàn quốc.

Dạy nghề cao cấp

Hành trình 20 năm lĩnh vực dạy nghề của FPT đáng được ghi nhận với nhiều mô hình, tạo việc làm cho hàng triệu thanh niên thông qua những mô hình đào tạo đặc thù. Từ những năm 1990, FPT đã mở mô hình trung tâm đào tạo tin học, năm 1999, FPT “nâng cấp” thành trung tâm lập trình viên quốc tế FPT Aptech, năm 2004 có học viện kỹ thuật đa phương tiện FPT Arena.

Dấu ấn lĩnh vực dạy nghề của FPT là năm 2006 thành lập ĐH FPT. Đây là mô hình “đại học trong doanh nghiệp” tư nhân đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Sinh viên bậc đại học của ĐH FPT được trang bị 2 ngoại ngữ để thích ứng và chủ động trong môi trường làm việc toàn cầu. Hầu hết sinh viên ĐH FPT đều có việc làm sau khi tốt nghiệp (tính cả các hệ đào tạo). Mô hình đào tạo mới nhất của FPT là FUNiX đào tạo theo hình thức trực tuyến. Hiện FPT đã hợp tác với hơn 60 trường thuộc 27 quốc gia.

Bài và ảnh:Trọng Hiền
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
’10 năm tới, FPT sẽ làm gì để phụng sự tổ quốc?’